Chỉ Số P/E Là Gì ? Chỉ Số P/E Thế Nào Là Tốt Chỉ Số P/E Như Thế Nào Là Tốt
Tiếp nối bài viết về chỉ số EPS, phunutiepthi.vn tiếp tục giới thiệu với bạn đọc chỉ số định giá được sử dụng rất phổ biến, đó là chỉ số P/E.
Đang xem: Chỉ số p/e là gì
Bạn sẽ học được gì:
Vai trò của chỉ số P/ETránh những lầm tưởng căn bản khi nhận định P/E cao hoặc thấpCác phương pháp định giá sử dụng chỉ số P/E
Ví dụ về cách tính chỉ số P/EĐánh giá chỉ số P/EChỉ số P/E cao hấp dẫn nhà đầu tư?Chỉ số P/E thấp vì lý do gì?Ưu điểm của chỉ số P/ENhược điểm của chỉ số P/ECác phương pháp định giá sử dụng chỉ số P/EPhương pháp so sánh tương đối
Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E (Price to Earning ratio, còn được gọi là PER) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (Earning per Share).
Chỉ số P/E có ý nghĩa: nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu để đổi lấy 1 đồng thu nhập hiện tại của doanh nghiệp?
Đây là chỉ số được ưa dùng trong phân tích vì nó phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) đối với cổ phiếu.
Lưu ý: Thu nhập của doanh nghiệp là lợi nhuận sau thuế đến từ hoạt động kinh doanh, nó không đồng nghĩa với thu nhập (hay lợi nhuận) của nhà đầu tư. |
Công thức tính chỉ số P/E
Chỉ số P/E được tính theo công thức sau:
Trong công thức trên, có 2 yếu tố bạn cần xác định:
Price: giá thị trường của cổ phiếuEPS (Earnings Per Share): thu nhập trên mỗi cổ phiếu
EPS là phần lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường của các cổ đông, sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi. Chỉ số EPS phản ánh khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Khi nói đến chỉ số P/E, bạn nên hiểu đơn giản là trailing P/E – được tính toán dựa trên số liệu của 4 quý liên tiếp. Còn nếu nhắc đến forward P/E – còn gọi là P/E dự phóng thì sẽ được tính theo dự báo số liệu của 4 quý tiếp theo.
Chỉ số EPS được chia làm 2 loại: EPS cơ bản và EPS pha loãng. Vì thế, chỉ số P/E cũng sẽ có 2 loại là P/E cơ bản và P/E pha loãng. Chỉ số P/E pha loãng sẽ cho bạn kết quả chính xác hơn. Nhưng đa số các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam có mức độ pha loãng cổ phiếu không cao, nên chỉ số P/E cơ bản và P/E pha loãng không có nhiều khác biệt. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc sử dụng chỉ số P/E cơ bản hoặc P/E pha loãng tùy trường hợp.
Bạn chưa nắm rõ về chỉ số EPS? Hãy click vào đây.
Ví dụ về cách tính chỉ số P/E
Tự tính chỉ số P/E
Tôi sẽ hướng dẫn các bạn tính chỉ số P/E của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) cuối năm 2019.
Bước 1: Tìm chỉ tiêu EPS trên báo cáo kết quả kinh doanh của VIC
Lưu ý: EPS cơ bản = Lãi cơ bản trên cổ phiếu; EPS pha loãng = Lãi suy giảm trên cổ phiếu |
Trường hợp doanh nghiệp không đưa EPS vào báo cáo của họ (vì điều này không bắt buộc), bạn hoàn toàn có thể tự mình tính toán chỉ số EPS.
Bước 2: Xác định giá thị trường (Price)
Để tìm kiếm lịch sử giá thị trường của cổ phiếu, bạn có thể truy cập website stockbiz.vn
Nhập mã cổ phiếu “VIC” vào thanh tìm kiếm, chọn mục “Giá quá khứ”, thiết lập khoảng thời gian mà bạn muốn tra cứu giá cổ phiếu.
Bước 3: Tính chỉ số P/E
P/E cơ bản = 115.000/2.433 = 47,26
P/E pha loãng = 115.000/2.383 = 48,25
Vậy P/E pha loãng = 48,25 thể hiện điều gì?
Có thể hiểu tương đối, VIC sẽ phải mất 48,25 năm hoạt động để trả đủ thị giá hiện tại là 115.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư với giả định lợi nhuận sau thuế (LNST) và khối lượng cổ phiếu (KLCP) không thay đổi qua từng năm (khiến EPS không đổi).
Tất nhiên, cách hiểu này không chính xác vì VIC là doanh nghiệp đầu ngành bất động sản nên các nhà đầu tư kỳ vọng LNST của VIC sẽ còn tăng cao qua từng năm.
Do đó, chỉ số P/E cũng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu VIC sẽ cao hơn trong tương lai.
Xem nhanh chỉ số P/E
Bạn có thể xem nhanh chỉ số P/E được tính sẵn trên các website như cafef.vn, vietstock.vn.
Tuy nhiên, chỉ số P/E trên các website thường có độ lệch (nhưng không nhiều) do cách cài đặt code tự động tính toán của mỗi website là khác nhau.
Ví dụ, chỉ số P/E của VIC năm 2019 được tính sẵn trên cafef.vn là 47,33.
Việc xem chỉ số P/E trên các website khá là tiện dụng, bạn có thể so sánh nhanh chỉ số P/E của VIC với các đối thủ cùng ngành bất động sản.
Đánh giá chỉ số P/E
Chỉ số P/E còn thể hiện tương đối về thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư. Khi đầu tư, ai ai cũng mong thu hồi vốn nhanh nhất có thể. Nếu hiểu như vậy, thời gian hoàn vốn càng thấp (tức P/E thấp) thì mức độ hấp dẫn của cổ phiếu càng cao. Ngược lại, nếu thời gian hoàn vốn càng cao (tức P/E cao) thì cổ phiếu thiếu đi sức hấp dẫn.
Nhưng tại sao trên TTCK lại có những cổ phiếu P/E cao mà thị giá vẫn cứ tăng trong dài hạn, còn những cổ phiếu có P/E thấp thì thị giá lại giảm theo thời gian?
Chỉ số P/E cao hấp dẫn nhà đầu tư?
Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.
Các nhà đầu tư thường sẵn sàng trả một mức giá cao cho cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành. Vì thế, những doanh nghiệp trong danh mục VN30 có chỉ số P/E rất cao, P/E của VNM hoặc VIC là một ví dụ điển hình.
Những doanh nghiệp có lợi thế độc quyền như Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) cũng có chỉ số P/E ở mức cao. Những doanh nghiệp thương mại dịch vụ cũng có chỉ số P/E ở mức cao vì những đặc điểm như dễ nhân rộng quy mô, biên lợi nhuận gộp tốt, hay những doanh nghiệp có tính đầu cơ và chu kỳ như tài chính, bất động sản có mức P/E rất cao khi nền kinh tế hưng thịnh.
Chỉ số P/E của Vinamilk (VNM)
P/E của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) luôn duy trì ở mức cao trong các năm qua và còn cao hơn P/E trung bình của toàn TTCK.
Dễ dàng nhận thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số P/E của VNM gồm LNST, EPS không có biến động lớn qua các năm, cho thấy hoạt động kinh doanh của VNM ổn định và tăng trưởng đều đặn, cộng thêm là doanh nghiệp đầu ngành sữa nên kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu VNM rất lớn.
Chính những điều đó đã kéo thị giá của VNM đi lên trong dài hạn, biến động giá cổ phiếu VNM là khá tương đồng, thậm chí còn cao hơn so với xu hướng tăng điểm của VN-Index từ 2009 đến 2019, tuy nhiên nếu tính mức biến động giá hàng năm (year on year) thì cổ phiếu VNM có mức biên độ biến động mạnh hơn.
Bạn có biết: nếu đầu tư 10 triệu vào cổ phiếu VNM trong năm 2009, sau 10 năm khoản đầu tư của bạn có giá trị 200 triệu. |
Hãy lưu ý: nếu chỉ số P/E tăng quá “nóng” trong một khoảng thời gian ngắn, hãy cẩn trọng!
Chỉ số P/E ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, đó là thị giá cổ phiếu (Price) và EPS.
Yếu tố EPS đóng góp rất ít cho sự biến động của P/E vì EPS được tính theo lũy kế LNST của 4 quý gần nhất, tức là phải sau 1 quý (3 tháng) thì thay đổi của EPS mới ảnh hưởng đến P/E (hạn chế của EPS là độ trễ thời gian sau khi doanh nghiệp phát hành báo cáo tài chính).
Nguyên nhân duy nhất để giải thích cho sự tăng “nóng” của P/E là thị giá. Kỳ vọng của thị trường quá lớn, dòng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều khiến thị giá tăng, kéo P/E tăng theo. Tuy nhiên, một cổ phiếu không thể cứ mãi duy trì đà tăng. Khi thị giá vượt qua giá trị thực của cổ phiếu, những nhà đầu tư sớm nhận ra điều này sẽ bán cổ phiếu để “chốt lời”, kéo giá cổ phiếu giảm.
Tháng 04/2018, VN-Index từng lập đỉnh ở mức 1.211 điểm, cổ phiếu VNM cũng được hưởng lợi khi đạt mức đỉnh gần 150.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch cuối năm, cổ phiếu VNM chỉ còn 120.000 đồng/cổ phiếu.
Thị giá VNM sụt giảm được các chuyên gia nhận định do tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại so với các năm trước. Sau 3 quý của năm 2018, doanh thu chỉ tăng nhẹ 2% trong khi lợi nhuận trước thuế lại giảm 8%.
Chỉ số P/E của FLC Faros (ROS)
Chỉ số P/E của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) rất cao, năm 2016 P/E là 100.61 và năm 2019 là 55.81. Liệu nhà đầu tư đang quá lạc quan với kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai của ROS?
Không, thực ra P/E của ROS cao do EPS quá thấp. EPS thấp do LNST của ROS quá “èo uột”.
Như vậy, chỉ số P/E cao đôi khi là biểu hiện việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả (do đó chúng ta cần nhìn vào các chỉ số khác như EPS, LNST,… để đánh giá P/E thế nào là hợp lý).
Sau thời điểm thị giá ROS lập đỉnh 209.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017 (chủ yếu do được “thổi giá”) thì cổ phiếu ROS đã gặp phải đà giảm giá liên tục. Hiện giờ chỉ còn được giao dịch quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu. Giá ROS tuột dốc “kinh khủng” là điều không thể tránh khỏi khi thị giá đã vượt quá xa so với giá trị thực của cổ phiếu.
Bạn hãy nhớ rằng, đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp đang hoạt động. Về lâu dài, doanh nghiệp tệ hại sẽ kéo giá cổ phiếu tệ đi. Giờ không ai muốn nắm giữ cổ phiếu ROS lâu dài vì biết đâu đến một ngày số cổ phiếu ROS sẽ thành đống giấy vô giá trị?
Chỉ số P/E thấp vì lý do gì?
Có 04 lý do chính để một cổ phiếu có chỉ số P/E thấp:
(1) Có thể doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, LNST tăng khiến EPS tăng lên, kéo chỉ số P/E giảm xuống. Khi này, cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua được một “món hời”.
Nhưng hãy cẩn thận với bẫy lợi nhuận khi nhìn vào EPS. LNST tăng cao có thể đến từ lợi nhuận bất thường như thanh lý tài sản, thoái vốn,… Đây là những khoản lợi nhuận thiếu bền vững, không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và khó lặp lại trong tương lai. Bạn hãy loại bỏ những khoản lợi nhuận này khi tính EPS để tránh kỳ vọng “ảo tưởng” về khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
(02) Có thể doanh nghiệp không còn có tiềm năng phát triển trong tương lai hoặc có dấu hiệu làm ăn thua lỗ. Nhà đầu tư nhận thấy điều đó và bán cổ phiếu để “chốt lời” khiến thị giá cổ phiếu giảm, kéo chỉ số P/E thấp xuống. Cổ phiếu khi này không còn được coi là rẻ bởi triển vọng tương lai của doanh nghiệp không còn tươi sáng.
(03) Đến từ rủi ro khách quan trong ngành, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động như: chính sách vĩ mô, chu kỳ kinh tế, lãi suất, chính sách thuế quan, cơ chế của nhà nước gây biến động mạnh đến lợi nhuận mà nhà đầu tư và doanh nghiệp không lường trước được. Khi đó, thị trường sẽ không dám “xuống tiền” để mua vào cổ phiếu có rủi ro lớn trong ngành.
(04) Đặc thù ngành nghề doanh nghiệp đang hoạt động có những yếu tố thiếu hấp dẫn. Ví dụ như ngành sản xuất thép có biên lợi nhuận gộp ở mức thấp 8-20%. Nếu doanh nghiệp kiểm soát chi phí vận hành không tốt, biên lợi nhuận ròng có thể chưa đến 5%. Vì vậy, cổ phiếu của những doanh nghiệp sản xuất thép có P/E không cao. Và không chỉ riêng ngành sản xuất thép, ngành sản xuất nói chung đều bị thị trường “trả giá” không cao vì các lý do chung như: khó gia tăng quy mô và lợi nhuận, EPS tăng trưởng chậm, tài sản thế chấp để vay nợ bị định giá thấp.
Chỉ số P/E của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất thép và nằm trong danh sách VN30. Thường thì các doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán sẽ có P/E cao, tuy nhiên P/E của HPG không cao, chỉ bằng ½ so với P/E bình quân của toàn thị trường. Tại sao có sự lạ lùng như vậy?
LNST của HPG luôn ở mức cao, thậm chí năm 2020 đạt trên 13.000 tỷ. EPS của HPG cũng ở mức cao so với doanh nghiệp cùng ngành, có thể đây là nguyên nhân khiến chỉ số P/E thấp.
Với những doanh nghiệp được đánh giá là có yếu tố cơ bản tốt như HPG thì P/E thấp đồng nghĩa với việc cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.
Tuy nhiên, có một số lý do để nhà đầu tư đánh giá thấp cổ phiếu HPG (mặc dù hiệu quả kinh doanh của HPG tốt):
(1) Việc tiêu thụ thép nội địa phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Xây dựng nhiều thì tiêu thụ thép càng nhiều. Từ năm 2019 thị trưởng bất động sản có dấu hiệu chững lại do vướng mắc chính sách của nhà nước. Và thời hạn thuế chống bán phá giá thép sẽ kết thúc vào quý 3/2020, dẫn đến rủi ro sản phẩm thép Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.
(2) Việc xuất khẩu thép phụ thuộc nhiều vào biến động giá thép, giá quặng trên thế giới, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu.
(3) HPG những năm gần đây mở rộng dự án Thép Dung Quất bằng vốn vay khủng, đây sẽ là gánh nặng cho HPG nếu ngành thép gặp biến động lớn.
Không chỉ cổ phiếu HPG có P/E thấp, mà những cổ phiếu đầu ngành thép khác là HSG, NKG cũng có P/E thấp do có chung những rủi ro kể trên.
Xem thêm: Giả Thuyết Thị Trường Hiệu Quả ( Efficient Market Hypothesis Là Gì ?
Chỉ số P/E cao hay thấp tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn?
Đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp đang hoạt động. Trong kinh doanh thì không ai dám chắc chắn tương lai doanh nghiệp sẽ thế nào. Rủi ro luôn tiềm ẩn với doanh nghiệp, vì vậy cổ phiếu P/E cao hay thấp đều có rủi ro.
Khi bạn mua cổ phiếu có P/E cao, bạn phải bỏ rất nhiều tiền (tất nhiên, vì thị giá cao) để đặt cược vào tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Những doanh nghiệp có tăng trưởng cao thường đi kèm với việc sử dụng vốn vay nợ lớn, chi tiêu nhiều để chiếm thị phần, và chỉ cần “sảy chân” cũng có thể dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, nắm giữ cổ phiếu P/E cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cổ phiếu P/E thấp.
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) – một ví dụ về công ty có rủi ro quản trị (management risks) đầy lo ngại, song lại có thị giá cao ngất ngưởng bất chấp nhiều điểm xấu trên báo cáo tài chính. Tháng 6/2018, YEG niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 250.000 đồng/cổ phiếu và đạt 343.000 đồng/cổ phiếu sau 2 ngày. Tôi gọi vui YEG là “kỳ lân” trên sàn chứng khoán vì thị giá còn vượt qua nhiều ông lớn trong rổ VN30 dù tỷ suất sinh lời đến quy mô tổng tài sản của công ty này còn khiêm tốn.
Thời điểm đó, chỉ số P/E của YEG lên đến hơn 52 lần, trong khi P/E toàn thị trường chỉ ở mức hơn 15 lần. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về giá trị thực của cổ phiếu YEG. Để trấn an nhà đầu tư, chủ tịch công ty và quỹ VinaCapital (cổ đông lớn của YEG) đã tuyên bố rằng YEG là công ty đứng đầu về tiếp thị số (digital marketing), tiềm năng tăng trưởng là rất lớn với mức tăng doanh thu hàng năm dự kiến trên 40%. Dù vậy, cơ cấu lợi nhuận ròng lại trái ngược với những gì YEG tuyên bố: mảng tiếp thị số chỉ đóng góp 44 tỷ đồng (1/4 lợi nhuận) năm 2018, giảm 40% so với 2017, xảy ra trước khi Youtube trừng phạt YEG đầu năm 2019 (?) Chưa kể YEG có những khoản lợi nhuận “lạ” tăng trưởng đột ngột so với thời điểm trước niêm yết, để lại cho tôi nỗi ngờ vực lớn (!)
Mà thôi, chúng ta cứ bỏ qua những nghi vấn mà tôi đặt ra, giả định rằng mức tăng trưởng 40% của YEG tuyên bố là khả thi đi, ta có thể tính nhanh chỉ số PEG của YEG = 52/40 = 1,3. Có lẽ cổ phiếu YEG đang nhận được thị giá quá cao so với giá trị nội tại của nó (?)
Nếu bạn chưa biết cách tính toán chỉ số PEG, hãy click vào đây.
Nhiều nhà đầu tư mua “triển vọng tương lai” của YEG đã nhận về thất vọng lớn khi YEG vướng phải sự cố với Youtube (đáng ra họ nên sớm nhận thấy những điểm đáng ngờ trên báo cáo tài chính của YEG) khiến P/E và LNST trở thành con số âm và còn thuộc diện cảnh báo của sàn HOSE. Làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu YEG diễn ra là điều tất yếu khi thực tế không được như kỳ vọng của thị trường.
Không chỉ TTCK Việt Nam có những con số P/E như vậy – những bluechips trên TTCK quốc tế đều có mức P/E cao ngất ngưởng. Ngài Benjamin Graham từng cho rằng cổ phiếu General Electric (GE, một bluechips trong nhóm Dow Jones 30 ngày ấy) có mức P/E 40 lần – mặc dù GE là một công ty tiện ích, tăng trưởng rất thấp (!) Những người nắm giữ cổ phiếu GE đã không tự hỏi mình rằng với P/E 40 lần, họ kỳ vọng P/E tương lai sẽ tăng lên bao nhiêu, 80 hay 100 lần chăng?! Với tư duy “đầu cơ” như vậy, thứ họ mất khi nhận định sai lớn hơn rất nhiều so với thứ mà họ có thể nhận được từ cổ phiếu GE.
Như vậy chỉ số P/E tốt là?
Qua các ví dụ ở trên, thật khó để nói rằng chỉ số P/E cao hay thấp, ở mức bao nhiêu là tốt.
P/E chỉ là một trong những chỉ số được sử dụng để định giá cổ phiếu. Nếu đứng một mình, chỉ số P/E không có ý nghĩa nhiều.
Tóm lại, chỉ số P/E phải được phân tích cùng với những câu hỏi sau:
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào?Doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai?Chất lượng và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có tốt, bền vững hay không?Rủi ro của doanh nghiệp là gì?So với P/E của toàn thị trường và P/E các doanh nghiệp cùng ngành thì như thế nào?
Ưu điểm của chỉ số P/E
Phản ánh kỳ vọng của đám đông
Xét đến yếu tố thị giá cổ phiếu – yếu tố có tác động mạnh nhất đến sự biến động của chỉ số P/E dựa vào tâm lý và dòng tiền của thị trường. Vì thế, chỉ số P/E phản ánh nhiều về kỳ vọng của đám đông vào cổ phiếu hơn là giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Dù vậy một cổ phiếu tăng giá về lâu về dài phải phụ thuộc vào cả giá trị nội tại và kỳ vọng của đám đông. Chỉ số P/E sẽ là khởi đầu tốt để giúp bạn có nhận định nhanh về việc cổ phiếu có đang bị thổi giá quá đáng hay không (!)
Theo lý thuyết, cổ phiếu có thể tăng giá trong tương lai khi EPS tăng (P/E không đổi) hoặc mức kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng (P/E tăng).
Thước đo tâm lý của toàn thị trường
Chỉ số P/E của toàn thị trường được lấy theo tỷ trọng của các cổ phiếu trên sàn.
Thời điểm cuối 2017, khi tâm lý đám đông quá hưng phấn, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường (trong khi EPS của doanh nghiệp chưa tăng) đã đẩy giá cổ phiếu lên mức đỉnh, khiến chỉ số P/E toàn thị trường sau khi vượt 22 lần. Sang đến quý 1/2018, chỉ số P/E được điều chỉnh xuống còn 17,5 lần vì nhà đầu tư “chốt lời” khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Cuối năm 2020, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm khiến chỉ số P/E toàn thị trường tiếp tục “dậy sóng”.
So sánh chỉ số P/E của cổ phiếu so với P/E toàn thị trường sẽ giúp các bạn nhận biết dấu hiệu mua vào – bán ra của thị trường (điều này không hề đơn giản).
Bạn có thể tự so sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp so với chính nó trong khoảng 10 năm, và tương tự với chỉ số P/E của toàn thị trường để biết cổ phiếu đang đắt hay rẻ.
Nhược điểm của chỉ số P/E
P/E bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận bất thường
Do P/E được tính dựa trên EPS, mà EPS lại phản ánh LNST của doanh nghiệp. Sẽ thiếu sót nếu bạn chưa đánh giá chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp có bền vững hay không.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lợi nhuận tăng đột biến, phục vụ cho lợi ích đẩy chỉ số EPS tăng lên. Do đó, hãy cẩn trọng loại bỏ các khoản lợi nhuận bất thường khi tính toán chỉ số EPS.
Hướng dẫn loại bỏ các khoản lợi nhuận bất thường có trong bài viết về chỉ số EPS.
Không áp dụng với doanh nghiệp thua lỗ
Nếu doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả và xảy ra thua lỗ (EPS âm) thì chỉ số P/E không sử dụng được. Chỉ số giá trị ghi số BVPS và P/B sẽ là cặp chỉ số thay thế hiệu quả hơn.
Các phương pháp định giá sử dụng chỉ số P/E
Phương pháp so sánh tương đối
Không tập trung vào xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp, phương pháp so sánh tương đối (Relative PE) sử dụng kết quả so sánh chỉ số định giá như P/E giữa các doanh nghiệp cùng ngành, trung bình ngành và toàn thị trường để tìm ra những doanh nghiệp đang bị định giá thấp trong tương quan với các doanh nghiệp khác.
Ưu điểm chung của phương pháp này là đơn giản, đòi hỏi ít giả định và nhanh gọn hơn so với định giá tuyệt đối. Hơn nữa, phương pháp so sánh phản ánh tình hình của thị trường trong ngắn hạn tốt hơn vì nó đo lường giá trị tương đối chứ không phải giá trị nội tại (thứ chỉ có thể nhận biết được trong dài hạn).
So sánh P/E giữa hiện tại và quá khứ của một cổ phiếu
Phép so sánh này nhằm trả lời câu hỏi: cổ phiếu có đang rẻ hơn so với chính nó trong quá khứ hay không?
Chỉ số P/E thường tuân theo quy luật mean-inversion, tức là quay về mức trung bình trong dài hạn sau một thời gian biến động tăng/giảm.
Để tìm mức trung bình dài hạn P/E của một cổ phiếu, bạn sẽ thống kê P/E trong khoảng thời gian 5 năm. Sau đó sử dụng hàm AVARAGE để tính giá trị P/E trung bình của 5 năm, kết hợp với hàm STDEV để tính độ lệch chuẩn (thực hiện trên MS Excel).
Để lấy số liệu P/E của một cổ phiếu, bạn có thể truy cập TVSI, nhập mã cổ phiếu, chọn “Báo cáo tài chính”, tiếp đến chọn “Chỉ tiêu tài chính”, tìm đến mục chỉ số P/E. TVSI thống kê số liệu theo quý và năm và có file excel để tải về.
Đối so sánh với các cổ phiếu đối thủ cùng ngành tại TTCK Việt Nam, bạn có thể xem thống kê có sẵn trên cafef.vn.
Nhưng hãy tránh tư duy “lệch” vì mỗi doanh nghiệp tuy cùng ngành nhưng thị phần, cấu trúc vốn, mô hình hoạt động, rủi ro và lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp không hoàn toàn giống nhau. So sánh P/E của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – doanh nghiệp chiếm hơn 30% thị phần thép xây dựng với CTCP Thép Pomina (POM) – chiếm 7% thị phần là khá khập khiễng.
Và tuyêt đối không so sánh P/E của các doanh nghiệp khác ngành. Không thể so sánh P/E của một doanh nghiệp sản xuất như HPG với một doanh nghiệp dịch vụ như CTCP FPT (FPT).
Đối với số liệu P/E trung bình ngành, bạn có thể tham khảo các website như: VietCapital Securities, TVSI, Stockbiz.vn. Trường hợp thị trường đang “tăng giá” hoặc “giảm giá” quá mức (biến động mạnh trong thời gian ngắn), việc so sánh với P/E trung bình ngành sẽ không còn chính xác.
So sánh với P/E toàn thị trường
P/E toàn thị thị trường chính là thước đo tâm lý, thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của TTCK. Năm 2021, khi tâm lý thị trường quá hưng phấn, dòng tiền mới của các nhà đầu tư đổ vào TTCK Việt Nam khiến chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, P/E toàn thị trường hơn 18 lần, margin tăng cao khiến rất nhiều mã cổ phiếu tăng giá, thậm chí cả những cổ phiếu “rác” (!)
Việc so sánh P/E của một cổ phiếu với P/E toàn thị trường sẽ giúp các bạn nhận biết dấu hiệu nên mua vào khi một cổ phiếu đang bị trả mức giá thấp hơn giá trị thực (nội tại) của nó và nên bán ra khi giá cổ phiếu đang ở mức giá cao hơn giá trị thực.
So sánh với tốc độ tăng trưởng thu nhập
Những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư tăng trưởng thường so sánh chỉ số P/E với tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS của cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư với giá hời. Việc so sánh được thực hiện thông qua chỉ số PEG.
Khám phá: Tìm kiếm cơ hội đầu tư với “giá hời” bằng chỉ số PEG.
Phương pháp Earnings Yield – Nghịch đảo chỉ số P/E
Khi chúng ta mua sắm hàng hóa, việc ra quyết định mua bán đều nằm ở chỗ hàng hóa đó đắt hay rẻ, nhưng “đắt” hay “rẻ” phụ thuộc vào cảm nhận của bản thân. Vấn đề ở đây là: Đắt so với cái gì? Rẻ so với cái gì?
Đầu tư cổ phiếu cũng vậy, bộ não chúng ta có 2 hệ thống nhận thức mà Daniel Kahneman gọi là hệ thống 1 và hệ thống 2: hệ thống 1 luôn đưa ra đánh giá rất nhanh mang tính cảm tính, hệ thống 2 thì đưa ra đánh giá chậm hơn, suy tính hơn, nhưng nhược điểm là rất lười hoạt động.
Khi nhìn thấy cổ phiếu CTCP Tập đoàn FLC (FLC) có thị giá 6.500 đồng, ngay lập tức hệ thống 1 đưa ra đánh giá là rẻ. Với cổ phiếu CTCP Vinhomes (VHM) có thị giá 100.000 đồng sẽ bị coi là đắt.
Dù muốn hay không nhưng đó luôn là cảm nhận ban đầu của bạn khi nhìn vào thị giá cổ phiếu. Khi tham gia vào TTCK thì đa số kết quả đánh giá dựa trên cảm nhận như vậy là sai.
Việc đánh giá mức độ đắt hay rẻ của cổ phiếu mang tính tương đối. Có nhiều phương pháp đánh giá nhưng để trực quan hơn bạn có thể sử dụng chỉ số lợi tức cổ phiếu (Earnings Yield).
Chỉ số này được tính bằng cách lấy thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chia cho thị giá (Price), hay nói cách khác, là nghịch đảo của chỉ số P/E:
Earnings Yield = EPS/P
P/E của VHM năm 2020 là 10,58. Vậy Earnings Yield = 1/10,58 = 9,45%, tức là với hiệu quả kinh doanh hiện tại thì thì mỗi năm VHM sẽ mang lại mức lợi tức 9,45% cho cổ đông. Với mức lợi tức như vậy thì sau 10,5 năm bạn sẽ thu hồi vốn đầu tư (có lẽ là quá dài), và các năm sau sẽ là lãi ròng của bạn.
Tuy nhiên, điểm then chốt ở đây là tốc độ tăng trưởng. Nếu VHM làm ăn tốt, lợi nhuận tăng trưởng 20%/năm thì khoảng 6 năm là bạn đã thu hồi vốn, và những năm sau thì lợi nhuận đem lại cho bạn sẽ lớn hơn so với lãi suất 9,45%/năm.
P/E của FLC năm 2020 là 118,56. Vậy Earnings Yield = 1/118,56 = 0,84%. Với mức lợi tức ít ỏ như vậy, và kể cả doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc trong những năm sau thì bạn vẫn sẽ mãi mãi không thể thu hồi vốn đầu tư.
Bạn có biết: Nhà đầu tư người Mỹ Peter Lynch những năm điều hành quỹ Fidelity đã ứng dụng tỉ lệ giữa P/E và tốc độ tăng trưởng: nếu một cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng 20% thì P/E hợp lí sẽ là 20, sẽ là món hời nếu P/E là 10 và sẽ bị định giá quá cao nếu P/E = 25. Hiệu quả đã khiến Fidelity từ có giá trị 20 triệu $ trở thành 11 tỉ $ khi ông nghỉ hưu. |
Với tư cách là một cổ đông, bạn mong muốn doanh nghiệp mình đầu tư có mức lợi tức cổ phiếu lớn hơn các kênh đầu tư rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ hoặc tiền gửi ngân hàng và phải bù được mức độ lạm phát. Đây chính là các tham chiếu tương đối để xác định cổ phiếu đắt hay rẻ.
Nếu nhà đầu tư có thể đánh giá được cổ phiếu khi nào là đắt, khi nào là rẻ thì chắc chắn sẽ có những chiến lược mua vào – thoát ra hợp lý. Năm 2007, Merill Lynch (tập đoàn tài chính lớn tại New York) khuyến cáo rút toàn bộ vốn khỏi thị trường Việt Nam trước khi thị trường sụt giá cũng nhờ họ đánh giá được mức P/E bất hợp lý tại thời điểm đó. Năm 2007, lợi suất trái phiếu chính phủ nằm ở mức 7-9%/năm. Trong khi đó, P/E của thị trường ở khoảng mức 26 lần, tương ứng với lợi tức cổ phiếu ở mức 3.85%/năm, chưa bằng một nửa so với lợi tức từ đầu tư phi rủi ro vào trái phiếu chính phủ. Khi đó thị trường cổ phiếu đang được định giá quá cao. Nhiều quan điểm cho rằng hiện nay P/E của Việt Nam khoảng 15 (thấp nhất trong khu vực), trong đó rất nhiều cổ phiếu có P/E dưới 10. Phải chăng cổ phiếu công ty Việt Nam rất hấp dẫn, rất rẻ? Theo tôi đánh giá này không đúng, vì chúng ta phải xét đến lãi suất, lạm phát giữa các quốc gia. Ở Mỹ, P/E hiện tại ở mức khoảng 20 lần, tương đương với lợi tức cổ phiếu khoảng 5% nhưng lạm phát chỉ 1-2%/năm và lợi suất trái phiếu chính phủ chỉ 2.14%/năm. Thị trường cổ phiếu Mỹ không thể coi là đắt hơn Việt Nam, vì… Ở Việt Nam, lạm phát từ 5-6%, lợi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất ngân hàng khoảng 7% thì để đảm bảo bù được rủi ro từ thị trường, lợi tức cổ phiếu nên lớn hơn 12%, tương ứng với P/E tầm 8,3 trở xuống. |
Tổng kết về chỉ số P/E
P/E chỉ mang tính tương đối, nên:
Để xác định mức hợp lý của chỉ số P/E, bạn cần đánh giá nó tương quan với các chỉ số, các yếu tố khác.Sử dụng phương pháp so sánh tương đối (Relative PE) để có cái nhìn tổng quan về thị trường.Không nên sử dụng P/E là nhân tố chính để quyết định mua bán cổ phiếu.
Xem thêm: Cỏ Ngọt Có Công Dụng Của Cây Cỏ Ngọt Và Những Điều Ít Người Biết
Bài viết tiếp theo: Chỉ số PEG là gì? Hướng dẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư với “giá hời”.